Tàu Ngư Chính 310 của Trung Quốc. Ảnh minh họa: Itiexu
Ngư Chính 310 (Yuzheng 310), tàu tuần tra nghề cá hiện đại nhất của Trung Quốc, sẽ tiến hành các hoạt động tuần tra thông thường tại những vùng nước quanh bãi đá Scarborough/Hoàng Nham, Xinhua đưa tin. Tàu này cũng sẽ bảo vệ các quyền lợi biển của Trung Quốc, đồng thời đảm bảo an toàn cho ngư dân của nước này, thông báo của Cục Nghề cá thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho hay.
Ngư Chính 310 xuất phát từ thành phố Quảng Châu, tỉnh miền nam Quảng Đông, hôm 18/4. "Việc này là nhằm bảo vệ tốt hơn quyền của các ngư dân Trung Quốc cũng như các nguồn lợi hải dương", China Daily hôm qua dẫn lời một quan chức giấu tên của Cục Nghề cá cho hay. Ban đầu, điểm đến của con tàu này không được tiết lộ.
Tàu Ngư Chính 310 nặng 2.580 tấn, được trang bị công nghệ tối tân. Đây là tàu có tốc độ nhanh nhất trong số các tàu ngư chính của Trung Quốc, với tốc độ tối đa khoảng 40 km/giờ. Tàu có bãi đáp đủ cho hai máy bay trực thăng. Ngư Chính 310 có hệ thống liên lạc vệ tinh và theo dõi bằng quang điện.
Trong khi đó, báo Sun Star của Philippines dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này, Raul Hernandez cho hay Tuần duyên Philippines hôm nay phát hiện 3 tàu cá Trung Quốc tại khu vực bãi đá Scarborough/Hoàng Nham. Điều này vi phạm thỏa thuận của hai bên về việc tránh làm gia tăng căng thẳng ở khu vực này.
Ông Hernandez cho biết sẽ yêu cầu chính phủ Trung Quốc giải thích lý do các tàu cá nước này quay lại nơi đang có tranh chấp. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines cũng cho hay bộ này nhận được những báo cáo không chính thức rằng Bắc Kinh từ chối đề xuất của Manila, liên quan tới việc đưa vụ tranh chấp ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển (Itlos) của Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, ông Hernandez khẳng định chính phủ Philippines giữ vững quan điểm đưa vụ tranh chấp ra trước Itlos, bất kể cùng hay không cùng với Trung Quốc.
"Theo cách nhìn nhận của chúng tôi, việc từ chối một lời mời như vậy thực sự cho thấy họ không sẵn sàng để xác nhận tính hợp lệ cho tuyên bố chủ quyền của mình", ông Hernandez nói trong một bài trả lời phỏng vấn trên truyền hình.
Căng thẳng bắt đầu hôm 8/4 khi giới chức Philippines phát hiện 8 tàu cá Trung Quốc tại bãi đá Scarborough/Hoàng Nham, cách bờ tây đảo lớn Luzon của nước này khoảng 230 km. Đây là bãi cạn hình móng ngựa không có người sinh sống.
Philippines cáo buộc các ngư dân Trung Quốc xâm nhập trái phép, cho rằng khu vực tranh chấp nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này theo luật pháp quốc tế.
Các thủy thủ Philippines hôm 10/4 đã lên các tàu cá của Trung Quốc để kiểm tra. Họ tìm thấy một số lượng lớn san hô, sò và cá mập còn sống. Ngoại trưởng Philippines cho hay các ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt trái phép và giữ các loài vật đang bị đe dọa tuyệt chủng. Các thủy thủ Philippines không bắt giữ ngư dân nào và sau đó trở lại chiến hạm BRP Gregorio del Pilar.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cho rằng bãi cạn này là một phần của lãnh thổ Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc đã cử các tàu hải giám tới ngăn chặn, không cho soái hạm BRP Gregorio Del Pilar của Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc.
Soái hạm Philippines sau đó rút đi và được thay thế bằng một tàu nhỏ hơn của Lực lượng Tuần tra Bờ biển Philippines. Hôm 13/4, tất cả các tàu cá Trung Quốc rút khỏi khu vực tranh chấp cùng một trong hai tàu hải giám. Tuy nhiên, một tàu hải giám và máy bay của Trung Quốc sau đó quay lại khu vực bãi đá Scarborough/Hoàng Nham. Máy bay của Trung Quốc còn bay vòng phía trên một tàu khảo sát của Philippines, khiến hai bên lại nổ ra tranh cãi. Philippines hôm qua thay thế tàu tuần tra BRP Pampanga bằng một tàu khác mang tên BRP Edsa.
Vụ việc kể trên là sự kiện mới nhất và căng thẳng nhất trong chuỗi các sự kiện giữa Philippines và Trung Quốc xoay quanh tranh chấp chủ quyền tại một số khu vực trên Biển Đông. Đây là vùng biển được cho là có trữ lượng khí đốt và dầu mỏ lớn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét