Tuy được cho là một trò chơi giải trí, rèn luyện thể lực và sự nhanh nhạy nhưng nếu không đảm bảo nghiêm ngặt quy tắc an toàn thì rất nguy hiểm và ít nhiều gây ra tâm lý bạo lực cho người chơi.
Tìm cảm giác mạnh?!
Paintball đã được du nhập vào Việt Nam khá lâu nhưng chủ yếu ở các tỉnh miền trong và mới ra Hà Nội từ đầu năm 2012. Để tham gia trò chơi, người chơi phải tập hợp thành một đội, được trang bị mặt nạ, quần áo, kính bảo hộ, súng hơi và đạn sơn mua theo nhu cầu.
Giống như một trận chiến giả, người chơi chia thành các đội để tiêu diệt lẫn nhau, ai bị trúng 1 viên đạn vào đầu hoặc 2 viên từ thắt lưng trở lên sẽ bị trọng tài tuýt còi cho ra ngoài kết thúc lượt chơi.
Hào hứng với trò chơi đánh trận giả mới du nhập về Hà Nội (Ảnh: Tiền Phong)
Từ ngày khai trương, CLB Súng sơn Hà Nội (km 1 Đại lộ Thăng Long) luôn đông nghịt người vào những ngày cuối tuần. Cứ đến thứ bảy, chủ nhật là người chơi lại ùn ùn kéo đến để thử chơi một trò chơi mới lạ. Người mới có, người đến chơi nhiều lần cũng có và điểm chung là tất cả đều rất hào hứng với trò chơi mới này.
Bạn Nguyễn Quốc Huy (Hoàng Mai, Hà Nội) cùng 1 nhóm bạn tới chơi chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên em tới chơi. Đọc trên mạng thấy rất thú vị nên cũng muốn thử chơi một lần cho biết".
Còn anh Duy Quang, 30 tuổi nhân viên văn phòng (Hà Nội) đã tới chơi nhiều lần cho biết: "Trò chơi đánh trận giả này cho cảm giác mạnh, hồi hộp nên mỗi lần chơi tôi đều cảm thấy rất hưng phấn. Từ ngày có trò chơi này, cuối tuần nào tôi cũng rủ bạn bè hoặc anh chị em trong cơ quan đến chơi để vận động, xả stress".
Không chỉ cánh mày râu, các bạn nữ cũng rất hào hứng với trò chơi súng ống này. Trong sân đánh trận có khá đông những bạn gái mặc quân phục, cầm súng chiến đấu mạnh mẽ không kém gì các bạn nam.
Thu Trà, sinh viên trường Đại học Phương Đông cho biết: "Em được các bạn nam trong lớp rủ đi chơi cho đủ đội hình. Tuy mới đầu không thích mấy trò chơi súng ống, bắn nhau nhưng sau khi chơi cũng thấy thú vị. Cảm giác hồi hộp chiến đấu như để bảo vệ mình và đồng đội thật vậy”.
Theo quy định độ tuổi được tham gia trò chơi này cũng phải được quản lý nghiêm ngặt. Người dưới 18 tuổi và trên 16 tuổi chỉ được phép tham gia trò chơi khi có người giám hộ.
Tuy vậy, trên thực tế, vào những ngày cuối tuần số lượng người tới chơi rất đông, lộn xộn nên việc kiểm soát độ tuổi người chơi gần như bị thả lỏng. Những đội chơi chỉ cần cử đại diện vào mua vé, lấy quần áo, mặt nạ, súng, mua đạn và không cần phải xuất trình chứng minh thư của từng thành viên.
Như vậy rất dễ để lọt lưới những người chơi đang trong độ tuổi vị thành niên và thậm chí còn khá nhỏ tuổi.
Dễ thành... "nghiện" bạo lực
Những ngày gần đây dư luận tỏ ra lo ngại về những vụ án do những đối tượng đang tuổi vị thành niên gây ra. Vụ án thảm sát tiệm vàng ở Bắc Giang, vụ án giết người cướp tiền mua điện thoại tại Vĩnh Phúc mới đây hay những clip học sinh cấp II, cấp III đánh nhau đều báo động về tình trạng thích bạo lực của giới trẻ.
Và theo lời khai của các sát thủ tuổi teen thì nguyên nhân dẫn tới những hành vi bạo lực đó ít nhiều liên quan đến game.
Triển khai đội hình thi đấu (Ảnh: Tiền Phong)
Chị Đào Thị Quyên, nhân viên Công ty IDT nêu ý kiến: "Các bạn trẻ ngày nay quá ham mê các trò chơi bạo lực. Hàng ngày lên mạng đọc các vụ án mạng do tuổi teen gây ra mà thấy ớn lạnh.
Gia đình, nhà trường và xã hội cần có những biện pháp giáo dục ngay từ đầu để hạn chế tối đa việc hình thành tâm lý bạo lực cho trẻ em. Cần hướng các em vào các hoạt động thể dục thể thao lành mạnh".
Với riêng trò chơi paintball, dù chỉ là đánh trận giả và được coi là một trò chơi lành mạnh nhưng với mục đích là tìm đối phương để tiêu diệt thì nó vẫn tiềm ẩn những tính chất bạo lực gây ảnh hưởng tới tâm lý người chơi, nhất là những bạn trẻ đang trong giai đoạn chuyển biến tâm lý.
Thạc sĩ Cao Xuân Liễu, giảng viên Khoa Tâm lý, Học viện Quản lý giáo dục cho ý kiến: "Trò chơi đánh trận giả là một trò chơi mô phỏng thế giới thực, người chơi tự đặt mình vào nhân vật thực.
Về mặt tâm lý học thì không có gì sai khi người chơi tìm đến những trò chơi dạng này để giải tỏa áp lực cuộc sống. Tuy nhiên, nếu áp dụng thái quá thì đều không tốt và gây nghiện, nhất là đối với giới trẻ, các em tuổi vị thành niên chưa ổn định tâm lý.
Đối với học sinh, tuổi vị thành niên không nên chơi thường xuyên các trò chơi như súng ống, đánh nhau để tránh tâm lý bạo lực ăn sâu vào các em gây ra những hành động sai lầm trong đời sống thực".
Khi được hỏi về trò chơi này, cô Nguyễn Quỳnh Mai, phụ huynh học sinh cấp III cũng chia sẻ: "Dù nó không nguy hiểm nhưng cô sẽ không cho con em mình tham gia khi các cháu còn đang trong tuổi vị thành niên.
Ngoài việc súng ống đánh nhau gây tâm lý không tốt thì tuổi trẻ ham chơi, ham thể hiện bản lĩnh cũng sẽ gây ảnh hưởng xấu tới việc học tập và lối sống của các cháu.
Theo tôi, các bậc phụ huynh không nên cổ súy hay hưởng ứng việc đưa con em mình tới sân tập đánh trận. Các em còn nhỏ tuổi, hiếu động vừa dễ xảy ra tai nạn vừa ảnh hưởng không tốt đến tâm lý các em".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét